hocucphuong

Hãy sống như hôm nay là ngày cuối của đời mình!

Kayaking trên vịnh Hạ Long

Năm 2000, Tạp chí National Geographic Adventures Magazine  (http://ngadventure.typepad.com) đã xếp vùng vịnh Hạ Long vào top 25 điểm du lịch chèo thuyền kayak hàng đầu thế giới.

Kayak –nghe lạ quá!

Kayak vốn là một loại xuồng rất nhẹ của người Eskimo. Ban đầu, xuồng này được thiết kế dành cho một người ngồi, được bọc bằng da hải cẩu  và do những thổ dân Bắc Mỹ phát minh ra để dùng săn bắt các loài thú lớn như sư tử biển, hải mã, cá voi…  Tên nguyên thủy của nó là Qajaq, người châu Âu phát âm theo cách đơn giản hóa thành kayak. Và phương tiện di chuyển trên sông nước, có cấu tạo nhỏ và dài, hai đầu nhọn và có khả năng vượt sóng rất tốt này đã trở thành loại xuồng hấp dẫn nhất, với những người ham mê cảm giác mạnh và những thú chơi mạo hiểm trên khắp thế giới.

Thuyền kayak hiện có khá nhiều loại: bằng nhựa composit, bằng cao su đúc hoặc thuyền bơm hơi, tất cả đều luôn nổi trong mọi tình huống và sử dụng mái chèo hai đầu. Về hình dáng, kayak trông không khác gì chiếc lá tre, nhỏ, dài, mảnh mai và rất quyến rũ. Thường có màu sắc rực rỡ như vàng, đỏ, da cam…, những chiếc kayak nổi bật trên làn nước xanh thăm thẳm luôn tạo nên những bức tranh vô cùng sống  động.

Kayaking ở Hạ Long

Với các đơn vị tổ chức du lịch, cứ nơi nào có sông nước là có thể khai thác dịch vụ du lịch mạo hiểm bằng kayak. Nhưng những vùng biển, vịnh êm đềm, lặng sóng quanh năm chắc chắn là nơi hấp dẫn du khách nhất. Tour khám phá bằng kayak được chào bán ở hầu hết các gói du lịch vùng biển, đảo. Và đối tượng hưởng ứng nhiệt tình nhất là những người trẻ và khách ngoại quốc. Tuy nhiên không phải lúc nào thơì tiết cũng chiều lòng người ham khám phá. Đi kayak thích hợp nhất là vào mùa xuân, mùa biển êm và lặng sóng kéo dài từ đầu tháng 1 đến hết tháng 3. Từ tháng 8 tới tháng 11 hàng năm thì chỉ có những vùng vịnh yên ả, sóng gợn lăn tăn như Cam Ranh, Đà Nẵng, Hạ Long… mới thực sự đắc địa.

Trên thực tế, kayaking có mặt ở Hạ Long cách đây đã gần hai thập kỷ, tức là từ những năm đầu của thập kỷ 90.  Khởi đầu, nó chỉ phục vụ những du khách nước ngoài ham mê khám phá. Giờ thì kayak đã thu hút rất nhiều khách ta, mà đa phần là người trẻ. Họ chọn cách ngồi trên tàu du lịch tiêu chuẩn 4 – 5 sao tiến sâu vào ma trận hơn 1900 hòn đảo lớn nhỏ, muôn hình vạn trạng và đẹp đến sững sờ. Tàu neo đậu giữa vịnh, những chiếc thuyền máy – kéo theo dăm mười chiếc kayak sẽ đưa du khách đến gần những hòn đảo, những hang động kỳ vĩ còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ, những bãi cát trắng mịn rất hiếm dấu chân người từng đặt tới.  Từ đây, những tay chèo sẽ dùng kayak bắt đầu chặng hành trình khám phá luôn tiềm ẩn những bất ngờ đầy thú vị của mình.

Những người đã từng may mắn nếm trải cảm giác tuyệt diệu ấy, dĩ nhiên trong đó có cả tôi, đều có chung một nhận xét. Khám phá Hạ Long bằng kayak thích thú gấp vạn lần ngồi trên tàu lớn.

Vẻ đẹp biến ảo mà bàn tay thần kỳ của tạo hóa sáng tạo nên cho vùng Vịnh đã từng mê hoặc trái tim triệu triệu du khách. Nhưng để cảm nhận đến tận cùng cái hùng vĩ của những đảo đá vôi, khám phá hết những vách núi trơ trơ giữa ngàn năm sóng cuộn, ngắm nhìn những chú chim biển chênh vênh bên mép nước hay chạm nhẹ vào những nhũ đá đã nghìn tuổi thì chỉ có thể nhờ kayak.

Nào, cùng làm quen với kayak:

Để chế ngự được chiếc kayak không hề đơn giản. Theo một huấn luyện viên có thâm niên nhiều năm đào tạo, “các vận động viên chuyên nghiệp phải dành tới nửa tháng đầu cho việc cầm gậy xoay trên bờ. Và ba tháng đầu chỉ tập kỹ thuật trên bờ mà chưa hề được xuống nước. Nhưng với dân nghiệp dư, không đặt yêu cầu cao về kỹ thuật và độ dẻo dai nên chỉ cần khoảng bốn buổi học là có thể trang bị được những kỹ thuật cơ bản”. Theo đó thì 15 phút huấn luyện ngắn ngủi mà thủy thủ tàu dành cho chỉ giúp chúng tôi trỏ thành những tay chèo “siêu amateur”. Nhưng có hề gì, nước lặng, vịnh êm, phải lên thác xuống ghềnh gì đâu mà sợ!

Cũng theo anh, “kỹ năng cơ bản nhất của người chèo xuồng kayak là phải giữ được thăng bằng. Với chiều rộng xuồng chưa tới một mét, khoảng không gian để xoay trở không nhiều nên sự khéo léo, thể lực, lòng dũng cảm và biết bơi giỏi là tố chất không thể thiếu (dĩ nhiên là vận động viên chuyên nghiệp thì không đời nào tròng lên người bộ áo phao choe choét giống tụi tôi rồi!). Một trong những bài tập quan trọng nhất là phải tự chui ra khỏi thuyền khi nó lật. Bởi lòng thuyền kayak rất nông nhưng chỗ để chân lại sâu về phía mũi thuyền, thuyền lật mà không kịp chui ra thì chắc chắn sẽ bị ngạt nước. Một kinh nghiệm quý giá cần nhớ là nên trèo vào từ phía đầu hoặc cuối xuồng, tối kỵ trèo từ phía bên hông”.  Những thông tin đó, về tới Hà Nội tôi mới được biết, chứ lúc ở đó, cả nhóm đều ở tình trạng “điếc không sợ súng”. Có người còn tặc lưõi, “tưởng thế nào, hóa ra chèo kayak dễ ợt!”

Để có thể sử dụng được thuyền, du khách – trong đó có tôi – đều phải qua một khóa huấn luyện cấp tốc. Mỗi người được trang bị một chiếc áo phao, đa phần màu rất chói. Hì hục cài hết được đủ các khóa, các dây, tôi cùng nhóm bạn đồng hành xuống thuyền. Mái chèo hai đầu – nghe mấy thủy thủ trên tàu quảng cáo là giá mỗi cái lên tới tiền triệu – rất nhẹ, như một thứ đồ chơi vậy. Thuyền màu vàng rực, nổi như phao. Hai người một chiếc, chúng tôi bắt đầu múa may loạn xạ. Xuồng xoay tròn đến năm phút, chờ khi hai tay chèo khá nhịp nhàng mới có thể bắt đầu lướt nhẹ trên mặt nước êm đềm, gợn sóng lăn tăn. Nghe anh chàng thủy thủ khá đẹp trai thuyết giảng một hồi về cách xác định phương hướng (để nhỡ lạc còn biết đường về), cách xử lý nếu xuồng chẳng may lật úp (nhưng trường hợp đó hiếm lắm – họ bảo thế – vì biển ở đây lặng sóng) cỡ năm phút nữa, vậy là chúng tôi đã  đủ tiêu chuẩn lên đường.

Sau khi đã quen với việc sử dụng mái chèo và đưa thuyến ra xa, đảm bảo các bạn sẽ rất thích thú khi đã điều khiển được chính xác thuyền rẽ phải, rẽ trái chứ không còn quay mòng mòng, bất trị như lúc ban đầu. Cảm giác chinh phục được thiên nhiên, tự hào thấy mình lớn hẳn khi xung quanh có khi chỉ còn trời, nước và …mỗi mình ta. Nỗi sợ hãi mơ hồ về sự bao la của đại dương xa thẳm vừa gợn lên đã tan biến, khi cảnh vật kỳ thú – như một phần thưởng quý giá – dần hiện ra trước mắt.

Khua mái chèo đến sát những chân núi đá và cảm nhận đưọc không gian tĩnh lặng đến tuyệt đối của những hòn đảo vắng, với tôi, thiên đường có lẽ cũng chỉ tuyệt vời đến thế.

Và cùng khám phá những hang động kỳ bí, hoang sơ:

Hành trình đầu tiên trên con thuyền kayak, tôi tới bãi tắm Uyên Ương, tới đảo Phất Cờ và có dịp chinh phục hang Thông Thiên. Đường vào hang rất khó đi. Rêu ở khắp nơi, trơn tuột. Tối như bưng lấy mắt, phải một lúc lâu, chúng tôi mới quen dần thứ ánh sáng lờ mờ đó để bắt đầu thám hiểm lòng hang. Cũng chỉ là đá, nhưng muôn hình vạn trạng, kỳ bí và đẹp đến không đủ ngôn từ diễn tả. Đường đi trong hang khá ngoắt nghéo, và chúng tôi phải tự tìm đường dễ đi nhất để trèo lên, trong số năm nảy ngã rẽ xuất hiện ở mỗi khúc ngoặt.

Khác với nhiều hang động tôi đã từng chiêm ngưỡng, hang Thông Thiên chưa hề chịu một tác động, dù là nhỏ nhất của bàn tay con người. Nó nguyên sơ như chính thủa hồng hoang đất trời tạo nên. Và nó quyến rũ khách du lịch mê khám phá, cũng chính nhờ vẻ đẹp tuyệt tác mà thiên nhiên đã kỳ công ban tặng đó.

Lần mò trong hang có cảm giác như mình là thổ dân. Say mê ngắm nhìn những vân đá được tạo hình mềm mại như những dải lụa, tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tiến sâu vào bên trong.

Thỉnh thoảng có một khoảng trống, đủ rộng để ánh sáng mặt trời rực rỡ ùa vào soi tỏ cảnh vật trong hang. Rồi tôi đã đến được điểm Thông Thiên, thông lên Trời. Chặng đường dài mà chúng tôi vừa chinh phục, hóa ra là những ngả uốn quanh co trong lòng núi Phất Cờ, để đưa du khách tới cửa hang phía trên, nằm lưng chừng núi. Cửa hang mở ra trước mắt chúng tôi một khoảng không bao la, nơi trời nước giao hòa, nơi phong cảnh hữu tình đẹp đến ngỡ ngàng. Tôi kiếm được một khe đá có hình từa tựa ngôi sao. Hướng ống kính máy ảnh ra ngoài Vịnh, tôi đã có những bức ảnh trên cả tuyệt vời.


Điểm đến thứ hai là hang Dơi. Con thuyền lọt thỏm giữa trơì nước bao la, tay sục vào làn nước biển trong suốt, mát lạnh. Sóng liếm nhẹ vào mạn thuyền, những tiếng nói, tiếng cười đùa vang vọng trên mặt nước, dội vào những đảo đá xù xì nghe âm âm rất thích.

Cảm giác đặc biệt thú vị, khi chiếc thuyền dần chui vào hang Dơi, mà miệng hang chỉ cách mặt nước có khoảng một mét. Càng chèo vào càng tối om, những nhũ đá luôn bất ngờ xuất hiện và thả xuống ngang trước mặt. Cảm giác chúng thấp đến nỗi nếu không cẩn thận, tôi sẽ bị cộc đầu.

Đang thóa sức gắm nghía vách trần hang với nhiều vân sóng, tạo hình kỳ lạ với dày đặc những chú dơi bình thản treo ngược mình, chúng tôi bắt gặp một hồ nước đẹp tuyệt vời hiện ra phía bên trong. Kiểu hang động này là nét đẹp đặc trưng và vô cùng quyến rũ của vùng Vịnh. Hang Dơi, động Mê Cung rồi  động Ba Hầm… đều là những điểm đến vô cùng hấp dẫn du khách tới Hạ Long nhờ những cái hồ đẹp mê ly ẩn chứa bên trong lòng núi đá vôi đó.

Lại quay thuyền ngược ra, cửa hang, nhìn từ phía trong, thấp lè tè. Có cảm giác phải ép mình xuống sát đáy thuyền mới có thể chui lọt qua khe cửa hẹp đến thế.  Mọi người nói chúng tôi may mắn, vì chuyến đi trùng vào khoảng thời gian rất hiếm hoi kayak chui được vào bên trong. Phần đa thời gian còn lại, cửa hang Dơi luôn bị nước che lấp, không ai dám mạo hiểm … lặn sâu vào.

Điểm đến cuối cùng mà các tay chèo hưóng tới là hang Luồn. Biển nơi đây phẳng lặng và trong xanh như một hồ nước ngọt trên đất liền. Chèo kayak tới sát núi Bồ Hòn, cả nhóm mới phát hiện ra cửa hang nằm ngay sát mép nước, có hình cánh cung mở ra dưới chân đảo với vách đá dựng đứng như một cổng thành bề thế. Nền hang chìm ngập trong nước vỗ ì oạp và trải dài gần hai chục mét xuyên qua đảo đá. Rón rén chèo thuyền vào sâu bên trong, tôi ồ lên kinh ngạc khi phát hiện một hồ nước mặn ăn thông với biển bên ngoài. Hồ rộng mênh mông, bốn mặt được bao kín bơỉ những vách núi cao, dựng đứng. Cảnh sắc thiên nhiên giao hóa tuyệt mỹ, hòa quyện giữ dáng núi, sắc nước, mây trời tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp.

Đây chỉ là ba – trong muôn ngàn điểm đến mà vùng Vịnh hào phóng mời gọi khách du lịch. Ông Billy Thornton (người Anh), người đồng hành với tôi thốt lên vào cuối ngày, “thật là tuyệt vời, tôi đã từng chèo kayak ở gần hai chục quốc gia trên thế giới nhưng chưa có nơi nào ấn tượng như Hạ Long. Năm sau, nhất định tôi sẽ còn quay lại để thăm thú thêm nhiều hang động kỳ bí nữa”.

Kayaking – một hình thức du lịch khám phá giàu tiềm năng

 Chèo thuyền kayak để khám phá những hòn đảo hoang sơ, những thác ghềnh có địa hình hiểm trở là một thú chơi mạo hiểm rất hấp dẫn khách du lịch nước ngoài. Trên thế giới không thiếu những website, những Hiệp hội dành riêng cho những khách du lịch ưa cảm giác mạnh trên những chiếc kayak. Và họ đã và đang rất khó cưỡng lại nổi lực hút của thỏi nam châm Hạ Long.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (www.vi.wikipedia.org), “với các giá trị ngoại hạng về cảnh quan và địa chất, địa mạo, lại là trung tâm của khu vực có nhiều yếu tố đồng dạng, vịnh Hạ Long hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành kinh tế du lịch với loại hình đa dạng. Hiện nay, khách đến vịnh Hạ Long chủ yếu tham quan ngắm cảnh, tắm biển và bơi thuyền.Trong những năm tới, ngành du lịch sẽ mở thêm nhiều tuyến điểm tham quan và tăng thêm nhiều loại hình du lịch khác. Dự kiến đến năm 2010, Quảng Ninh sẽ là một trong những điểm du lịch lớn nhất cả nước.

Sự tăng trưởng về số lượng khách ở Hạ Long được đánh giá là nhanh nhất ở Việt Nam trong những năm gần đây. Năm 2003 vịnh Hạ Long đón tới 1.306.919 lượt khách. Năm 2005, lượng khách đến vùng Vịnh ước đạt 1,5 đến 1,8 triệu, và đến năm 2010 dự đoán vịnh Hạ Long sẽ là điểm đón tiếp 5-6 triệu lượt khách”.

Ngày 17 tháng 12 năm 1994, UNESCO đã công nhận vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mĩ.

Đúng 6 năm sau, UNESCO đã công nhận vịnh Hạ Long là di sản thế giới lần thứ 2 về giá trị địa chất địa mạo. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến đệ trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ 3, dựa trên những giá trị về khảo cổ học và đa dạng sinh học trong vùng Vịnh.

Tour có kèm theo dịch vụ kayak tại Hạ Long có mức giá khá cao. Ví dụ: Công ty Lữ hành Hanoitourist có tour HN – Hạ Long  2 ngày 1 đêm, trong đó cũng chỉ có chuyến khám phá bằng kayak duy nhất vào hang Luồn. Mức giá trọn gói là 129 $/01 khách ( chưa bao gồm chèo thuyền Kayak 20$ /khách). Tính ra, ngoài đi thăm thú bằng tàu lớn trên vịnh, để có thể chèo thuyền khám phá được hang động tuyệt đẹp này trong vòng vài tiếng đồng hồ, mỗi khách phải chi trả xấp xỉ 2,7 triệu đồng.

Thế mà tính sơ sơ, thêm cả vịnh Bái Tử Long phía Đông Bắc, quần đảo Cát Bà với vịnh Cát Bà và vịnh Lan Hạ phía Tây Nam thì những tour du lịch được thiết kế riêng cho thuyền kayak có thể khai thác cả trăm điểm đến đầy quyến rũ. Một tiềm năng, một mỏ vàng quý giá đang ẩn mình chờ khai phá.

Hiện thuyền kayak mới chỉ được khai thác như một thứ gia vị thêm nếm trong các cuộc hành trình có đối tượng du  khách nước ngoài. Người VN lựa chọn kiểu du lịch này chưa nhiều, nếu có, cũng chỉ khoanh vùng trong giới trẻ. Tour thiết kế chuyên biệt, hướng đến những tay chèo chuyên nghiệp mê cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm chưa hề có. Mặc dù, tiềm năng, độ hút khách cùng khoản lợi nhuận không nhỏ là những lợi ích mà một người i tờ về kinh doanh như tôi cũng có thể nhìn thấy nhãn tiền. Một thế mạnh từ món quà thiên nhiên ưu ái ban tặng ấy, mong những người làm du lịch đừng quên lãng, bỏ qua.

Single Post Navigation

Comments are closed.